Tìm hiểu cách đánh thức men bánh mì và xem chúng thích gì ?

Thí nghiệm thổi bóng bằng giấm và baking soda đã quá quen thuộc rồi. Hôm nay chúng ta sẽ làm thí nghiệm thổi bóng bằng men làm bánh mì nhé.

A. Chuẩn bị

– Men làm bánh mì (men instant yeast)

– Đường

– Bột mì

– Nước ấm (không quá 50 độ)

– 3 chai nhựa nhỏ

– 3 cốc nhỏ

– 3 quả bóng bay

– Phễu

Lưu ý sử dụng men bánh còn mới (chưa hết hạn sử dụng), vì nếu men chết thí nghiệm sẽ thất bại. Cách bảo quản men để chất lượng men tốt nhất là gói kín để ngăn mát tủ lạnh.

B. Video thí nghiệm

Chi tiết cách làm và giải thích hiện tượng ở dưới bài viết nhé 👇👇👇

C. Cách làm

1. Lấy 3 cốc nhựa, cho vào mỗi cốc 2 tbsp (thìa canh) men bánh mì.

2. Thêm vào cốc thứ nhất 3 tbsp đường

3. Thêm vào cốc thứ hai 3 tbsp bột mì

4. Cốc thứ 3 để nguyên 2 thìa men ban đầu, không thêm gì cả.

5. Đổ lần lượt 3 cốc vào 3 chai nhựa chuẩn bị sẵn. Dùng phễu để không rơi rớt ra ngoài.

  Nên đổ cốc thứ 3 có mình men trước rồi tới 2 cốc còn lại. Mục đích là đề phòng vài hạt đường hay bột còn sót lại trên phễu rơi vào chai thứ 3 nếu cốc thứ 3 đổ sau cùng. Thực ra cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến kết quả thí nghiệm, nhưng thay vì đạt 90% thì 100% nó vẫn mĩ mãn hơn phải không 😀

6. Rót nước ấm vào từng chai với mực nước ngang nhau. Mình dùng nước ấm khoảng 37 độ.

7. Đậy nắp kín và lắc thật đều

8. Mở nắp chai, bịt miệng chai bằng quả bóng bay như thế này

9. Quan sát bọt khí nổi lên trong chai và xem quả bóng bay nào phồng nhanh nhất, to nhất nhé

D. Giải thích

  Men làm bánh mì thực chất là một loại nấm men, là tế bào có sự sống. Khi còn ở trong túi zip mới mua về thì tất nhiên là men không hoạt động. Nước ấm sẽ đánh thức chúng!

  Vì là tế bào sống nên nó cũng cần “ăn”. Men sẽ phân giải các phân tử đường thành khí CO2 và rượu (đó là lý do khi làm bánh mì, bột bánh phồng xốp lên và ngửi thấy mùi rượu chua chua).

  Nước ấm giúp men hoạt động tốt, nước nguội hoặc lạnh quá men sẽ không hoạt động, Nước nóng quá 50 độ men sẽ chết.

  – Chai đầu tiên có đường kính và men, đường sẽ bị phân giải rất nhanh, quả bóng ở chai này phồng nhanh nhất và to nhất. Các bọt khí sinh ra liên tục từ dưới đáy chai, nổi lên trên, vỡ ra và giải phóng khí CO2 làm quả bóng to lên.

  – Chai thứ 2 có bột mì và men. Bột mì có thành phần chính là carbohydrate – gồm nhiều các phân tử đường nối lại với nhau thành chuỗi. Men sẽ tốn thời gian để “cắt nhỏ” carbohydrat thành các phân tử đường, sau đó mới phân giải đường thành CO2. Quả bóng bay ở chai này sẽ phồng lên chậm hơn và nhỏ hơn quả bóng ở chai đầu tiên.

   – Chai thứ 3 men không có gì để “ăn” nên chẳng có khí CO2 nào được sinh ra cả. Quả bóng chai này xẹp lép từ đầu đến cuối.

  Khi đổ men + đường/bột vào chai. Nếu đổ phễu không sạch và có dính chút bột mì/đường rơi vào chai thứ 3 thì quả bóng ở chai số 3 có thể phồng lên một chút. Tuy nhiên không ảnh hưởng đến kết quả thí nghiệm nhiều lắm. Vì thế ở phần cách làm mình mới khuyên nên đổ từ cốc thứ 3 trước.

Hỏi gì cho trẻ nhỏ ???

> Hỏi xem bé có nhắc lại được trong cốc thứ nhất có gì, hai cốc kia có gì?

> Cùng đánh thức men dậy nhé (đổ nước ấm vào chai)

> Giờ nấm men sẽ ăn đường và ăn bột mì, chai thứ 3 có gì cho nó ăn không?

> Nấm men khi ăn sẽ nhả ra các bọt khí làm phồng quả bóng lên (chỉ cho bé thấy các bọt khí), con nghĩ xem nấm men thích ăn gì hơn?

One Reply to “Thổi bóng bằng men”

Comments are closed.