Đây là thí nghiệm dành cho các bạn từ 8 tuổi trở lên và có sự giám sát của người lớn. Vì thế bọn nhóc nhà mình cũng chưa đến lúc được làm, bởi đây là thí nghiệm liên quan đến sự bay hơi của cồn nồng độ cao.
A. Chuẩn bị
– Cồn 90 độ hoặc 70 độ
– Dầu thực vật
– Nước
– Màu thực phẩm
– Đĩa, ống bóp nhỏ giọt
B. Video thí nghiệm
Chi tiết cách làm và giải thích hiện tượng đọc tiếp phía dưới nhé!
C. Cách làm
1. Pha màu thực phẩm với vài ml cồn.
2. Đổ dầu ra mặt đĩa.
3. Hút dung dịch màu cồn, nhỏ từng giọt lên đĩa dầu và quan sát hiện tượng.
Rất đơn giản phải không, tuy nhiên có một số lưu ý sau:
– Có thể pha loãng màu cồn với một ít nước. Tỉ lệ nước càng nhiều thì pháo hoa “nở” càng chậm, giọt màu cũng to hơn và di chuyển chậm hơn.
– Làm thí nghiệm trong phòng thoáng khí, tránh xa các nguồn lửa bắt cháy. Dù lượng cồn ở đây chỉ vài ml nhưng cẩn thận vẫn hơn.
D. Giải thích
Hiện tượng quan sát được: ngay khi giọt màu cồn chạm vào mặt dầu trên đĩa, những giọt màu sẽ tản ra xung quanh theo dạng hình tròn như pháo hoa cho đến khi toàn bộ giọt màu cồn bị tách hoàn toàn thành các giọt màu nhỏ.
Khi nhỏ màu cồn lên đĩa dầu, một lượng cồn trong giọt màu nhanh chóng bị bay hơi làm giảm sức căng bề mặt tại nơi nhỏ màu, các giọt màu sẽ có xu hướng bị kéo đến nơi có sức căng bề mặt cao hơn – xung quanh điểm nhỏ màu. Vì thế ta quan sát được hiện tượng “pháo hoa” như trên.
Xem thêm một số thí nghiệm về sức căng bề mặt