Đi siêu thị thấy chai nước khoáng kiềm chợt nảy ra một thí nghiệm có liên quan đến chỉ thị phanolphtalein khá hay 😀

A. Chuẩn bị

1. Dụng cụ thí nghiệm

– Chai nhựa 1 cái

– Ống hút nhựa 1 cái, ống hút giấy 1 cái

– Đất nặn

– Dao trổ

– Cốc thủy tinh

2. Hóa chất làm thí nghiệm

Gọi hóa chất cho oai chứ thực ra cũng toàn nguyên liệu dễ tìm và khá an toàn

– Nước (nước máy bình thường)

– Nước khoáng kiềm

– Baking soda: 4 thìa canh (tbsp)

– Acid citric: 2 thìa canh (tbsp)

– Chỉ thị phenolphtalein

3. Lưu ý

– Phenolphatalein có thể mua ở các cửa hàng bán hóa chất dụng cụ thí nghiệm. Nếu mua dạng bột có thể pha bột phenolphtalein (cỡ hạt đậu đen) với 10ml cồn 95 độ.

– Nước khoáng kiềm ở siêu thị có bán nhiều, trên nhãn ghi là nước khoáng kiềm, nước ion kiềm tốt cho sức khỏe abc xyz…  pH từ 8,5 – 9,5.

– Baking soda, acid citric có thể mua ở các shop bán nguyên liệu làm mỹ phẩm, nguyên liệu làm bánh,… hoặc đơn giản lên shopee gõ cái ra đủ cả.

– Nếu không tìm mua được acid citric, hãy thay thế nó bằng giấm.

B. Video thí nghiệm

Chi tiết cách làm và giải thích hiện tượng ở mục C và D bài viết này nhé!

C. Cách làm

1. Làm “dụng cụ thí nghiệm”

– Dùng đầu nhọn của dao trổ khoét một lỗ tròn nhỏ ở nửa trên của chai nhựa, đường kính tương đương với ống hút nhựa.

– Cắm phần đầu ngắn của ống hút nhựa vào lỗ vừa khoét.

– Bịt kín lỗ hở bằng đất nặn.

2. Rót nước khoáng kiềm vào cốc thủy tinh. Thêm vài giọt chỉ thị màu phenolphtalein. Nước trong chai chuyển màu gì nào?

3. Dùng phễu đổ lần lượt bột baking soda, bột acid citric vào chai.

4. Đổ nước vào chai, lưu ý không cần đổ đầy, chỉ cần ngập qua lượng bột trong chai là được.

5. Nhanh tay đóng nắp chai và cắm đầu ống hút dài vào cốc nước khoáng kiềm màu hồng phía trên.

* Lưu ý: khi thay acid citric bằng giấm lượng khí tạo ra không nhiều và mạnh như sử dụng bột baking soda và acid citric, vì thế để thí nghiệm thành công tốt nhất bạn nên dùng chai bé hơn cái chai nhựa trên kia nhé, hoặc phải đổ thêm nhiều bột và giấm, lưu ý đừng đổ quá đầy, khi phản ứng xảy ra chất lỏng sẽ tràn qua ống hút cắm trên thân chai và làm hỏng thí nghiệm.

* Sờ tay vào chai khi phản ứng xảy ra sẽ cảm thấy khá lạnh do phản ứng của acid citric và baking soda là phản ứng thu nhiệt (tỏa nhiệt lạnh). Còn giấm thì không có hiện tượng này.

6. Lặp lại bước 2. Sau đó thổi hơi qua ống hút sục vào cốc nước. Quan sát xem có hiện tượng gì xảy ra?

D. Giải thích

Phenolphtalein là hợp chất hóa học được sử dụng như chỉ thị acid base. Thường được biết đến với đặc điểm làm cho dung dịch base chuyển sang màu hồng (hồng tím) trong khoảng pH từ 8 -10.

Ở đây sử dụng nước khoáng kiềm có pH từ 8.5-9.5, khi nhỏ vài giọt phenolphtalein vào, ngay lập tức cốc nước sẽ chuyển sang màu hồng.

Tại sao khi sục khí Carbonic (CO2) sinh ra từ phản ứng giữa [baking soda + acid citric] hoặc [baking soda + giấm] thì màu hồng lại biến mất? Khí CO2 khi sục qua nước sẽ tạo ra một acid yếu, do đó làm giảm tính kiềm của cốc nước khoáng kiềm. Vì thế màu hồng trong cốc sẽ biến mất.

Trong hơi thở của chúng ta có khí CO2, nên khi thổi hơi qua ống hút sục vào cốc nước khoáng kiềm cũng cho kết quả tương tự trên.

Chúc mừng Hà Nội đã bỏ chỉ thị 16, ra đường không cần giấy đi đường *tung hoa* *tung bông* :))