Thí nghiệm cho bé thấy cây “uống nước” như thế nào ?
Tại sao hoa mua về lại cứ phải cắm vào nước? Bởi vì cây cần nước.
Tại sao nước trong bình hoa lại vơi đi và phải thay nước? Xem thí nghiệm sau để biết tại sao nước trong bình vơi đi và tìm hiểu cây uống nước như thế nào?
A. Chuẩn bị
– Vài cái lọ/cốc
– Màu thực phẩm
– Hoa trắng
Hoa có thể sử dụng hoa cúc trắng hoặc hồng trắng…hay bất kỳ hoa màu trắng nào khác. Có thể thay bằng lá cải thảo cũng được. Ở Hà Nội đang mùa cúc họa mi nên mình dùng luôn loại hoa này.
B. Video thí nghiệm
Chi tiết cách làm và giải thích hiện tượng ở dưới bài viết nhé 👇👇👇
C. Cách làm
1. Đổ nước vào lọ
2. Pha màu thực phẩm vào
Bắt buộc sử dụng màu thực phẩm, màu nước thành phần khá “nặng” nên sẽ bị lắng màu và cây rất khó hút màu lên.
3. Cắm hoa vào lọ và quan sát sau vài tiếng – nửa ngày – 1 ngày – 2 ngày.
Màu thực phẩm pha càng đậm thì kết quả sẽ dễ quan sát hơn. Con bé con nhà mình đổ nước cứ đòi đổ đầy bình nên màu lên sẽ chậm và nhạt. Nếu thích màu đậm, dễ quan sát thì cho thật ít nước và nhiều màu nhé.

Không những hoa đổi màu…

Mà lá cũng đổi màu theo

D. Giải thích
Trong thân cây có nhiều “mạch gỗ” nhận nhiệm vụ vận chuyển nước lên trên và tỏa ra khắp thân, lá … nuôi cây. Giống như mạch máu trong cơ thể người vậy. Các hạt màu trong lọ sẽ bị kéo theo cùng các phân tử nước.
Có màu sẽ hiển thị lên cánh hoa nhanh hơn những màu còn lại, phụ thuộc vào lượng màu pha vào nước và lực hút của mạch gỗ với từng phân tử màu sẽ khác nhau. Quan sát sẽ thấy màu xanh dương là màu “di chuyển” nhanh nhất, sau đó là màu đỏ trong ngày thứ nhất; rồi đến màu xanh lá, màu vàng phải đến ngày thứ 2 mới thấy rõ.
Có thể giải thích với bé rằng cây/hoa phải hút nước để sống, trong thân cây có rất nhiều ống hút, cây hút nước màu xanh dương sẽ làm cánh hoa và làm có những vết màu xanh dương,… Liên hệ thực tế với việc bé dùng miệng hút ống hút khi uống sữa.