“Quả” thông có một đặc tính rất “kỳ lạ” liên quan đến quá trình sinh sản của nó.

A. Chuẩn bị

  Thí nghiệm này chuẩn bị khá đơn giản, quả thông khô mua trên mạng rất nhiều với giá rẻ. Nếu nhà gần rừng thông thì còn gì bằng!

  – Vài quả thông khô

  – Nước nóng

  – Cốc thủy tinh, chai nhỏ.

B. Video thí nghiệm

Chi tiết cách làm và giải thích hiện tượng ở dưới bài viết nhé 👇👇👇

C. Cách làm

1. Quả thông trong nước nóng

  – Rót nước nóng vào cốc.

  – Thả quả thông khô vào và quan sát trong vòng 30 phút.

  – Có một số lưu ý sau:

  Quả thông khô nhẹ hơn nước nên có dìm thế nào nó cũng nổi lềnh phềnh lên trên mặt nước vậy :)), điều đó làm thí nghiệm diễn ra lâu hơn một chút và bớt đẹp mắt hơn một chút. Vì thế bạn có thể gắn thêm 1-2 cái đai ốc vào cuống quả thông, cố định bằng cách chèn thêm vài que tăm nếu đai ốc rộng quá. Đai ốc nặng sẽ giữ cho quả thông đứng vững dưới đáy cốc.

   Nước nóng đẩy nhanh thời gian thí nghiệm, tuy nhiên phải hết sức cẩn thận với trẻ con.

2. Làm thế nào lấy quả thông ra khỏi chai ???

  Kết thúc thí nghiệm trên, bí mật lấy quả thông đã co lại cho vào chai. Đừng để lũ trẻ thấy. Sau đó đem phơi ra nắng vài ngày cho đến khi hơi nước bay hơi hết. Quả thông sẽ mở ra. Nếu nhà có máy hút ẩm thì chỉ cần để chai ở cửa thông gió của của máy hút ẩm khoảng nửa ngày sẽ khô cong.

 Hỏi con

  > Làm thế nào mẹ lại có thể cho quả thông cứng kia vào trong chai?

  > Làm thế nào lôi được quả thông ra mà không được đập vỡ chai?

  Sau khi để trẻ suy nghĩ, loay hoay một hồi, hãy gợi ý:

  > Quả thông khô khi ngâm nước nóng thì nó sẽ như thế nào?

  > Giờ đổ nước nóng vào chai thì chuyện gì sẽ xảy ra?

  Bắt đầu đổ nước nóng vào chai cho ngập đến cổ chai. Sau khoảng 30 phút khi quả thông đã co lại hết, đổ nước và trẻ có thể lấy quả thông dễ dàng ra khỏi chai. Giờ có thể đem quả thông ra phơi nắng trực tiếp hoặc nhét nó vào lại trong chai và đặt ngoài nắng trong vài ngày để quả thông mở ra. Thời tiết nắng hanh làm quả thông mở ra rất nhanh. Nếu không đủ nắng, có thể đặt quả thông ở cạnh máy hút ẩm trong nhà.

3. Dùng quả thông để trang trí

a. Chuẩn bị

  – Lõi giấy

  – Đĩa giấy, dây gai

  – Màu nước trắng

  – Kim tuyến, hạt cườm, pompom … trang trí

b. Cách làm

  – Cắt một đoạn lõi giấy, trang trí bằng cách quấn dây gai hoặc dán giấy màu…

  – Dùng bút lông tô màu nước trắng lên quả thông.

  – Đặt quả thông lên lõi giấy, có thể cố định bằng keo nến.

  – Trang trí cây thông theo sở thích!

D. Giải thích

1. Cho bố mẹ

  Có một sự thực là quả thông không phải là “quả”, tên gọi chính xác của nó là “nón” thông. Nón là cơ quan sinh sản của cây thông. Trong nón có chứa hạt thông, hạt này nằm lộ ra trên các vảy và không được bảo vệ như các loại quả thông thường, vì thế cây thông là một loại cây Hạt trần.

  Nón thông có đặc điểm mở ra khi thời tiết khô nóng, chụm lại khi thời tiết ẩm và lạnh. Trong thí nghiệm trên, nón thông khô khi ngâm vào nước sẽ nhanh chóng co lại, khi phơi nắng sẽ mở ra. Điều này có liên quan đến quá trình sinh sản của cây thông:

  Nón thông bao gồm nón đực và nón cái. Nón cái cần được thụ phấn để tạo thành hạt. Nếu tất cả các nón mở cùng lúc thì cơ hội thụ phấn sẽ cao. Vì thế khi thời tiết hanh khô, nón thông đồng loạt mở và thụ phấn cho nhau.

  Khi hạt được tạo thành trong nón, gặp thời tiết hanh khô, nón mở rộng, hạt theo gió bay được xa hơn. Giả sử nếu trời mưa ướt thì hạt rơi ngay xuống gốc thông, cây có thể mọc lên nhưng chen chúc sẽ khiến chúng còi cọc vì cạnh tranh chất dinh dưỡng.

  Vậy làm thế nào mà các vảy trên quả thông lại đóng mở được?

  Quả thông được cấu tạo từ cellulose (gỗ), khi gặp nước/ẩm chúng sẽ hút nước và giãn ra. Mỗi chiếc vảy thông với mặt dưới chứa nhiều cellulose hơn mặt trên, khi hút nước sẽ mau chóng giãn ra, đẩy vảy thông khép lại. Nước nóng đẩy nhanh quá trình hấp thu nước của cellulose.

2. Cho con

  Ngoài các câu hỏi tương tác trong quá trình làm thí nghiệm trên. Bố mẹ có thể giải thích cho con đơn giản các ý sau:

  > Quả thông mở ra để làm gì? – Để hạt bay đi xa và nảy mầm thành cây ở nơi khác.

  > Trời mưa thì hạt có bay xa được như trời nắng không?

  > Trong quả thông có nhiều mạch gỗ như ống hút bé xíu, nên khi ngâm nước chúng sẽ hút nước vào và co lại.